Nến hammer là một loại mô hình nến thường xuất hiện trong biểu đồ kỹ thuật của thị trường tài chính như chứng khoán, hàng hóa phái sinh, tiền điện tử hay ngoại hối. Vậy nến hammer là gì, có những đặc điểm gì và được ứng dụng trong giao dịch như thế nào, hãy cũng HCT tìm hiểu nhé! 

Nến hammer

  1. Khái niệm nến hammer 

Nến hammer, hay nến búa (tên tiếng Anh: hammer candlestick) là một mô hình nến phổ biến trong giao dịch tài chính, thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm giá, báo hiệu khả năng giá đảo chiều tăng. 

Khái niệm nến hammer

Nến hammer có hình dạng như một cây búa với thân nến ngắn và bóng nến dài ít nhất bằng hai lần thân nến về phía dưới, trong khi bóng nến phía trên rất ngắn hoặc không có.  

Thân nến hammer có thể có màu xanh hoặc màu đỏ. 

>>>> XEM THÊM: Giải mã mô hình nến| Khái niệm, cấu tạo 

  1. Phân loại nến hammer 

Dựa trên màu sắc thân nến có thể chia mô hình nến hammer thành hai loại: nến bullish hammer và nến bearish hammer. 

2.1. Nến bullish hammer 

Nến bullish hammer hay còn gọi là nến hammer tăng, có thân màu xanh, giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa, còn các đặc điểm khác đều giống với đặc điểm chung của nến hammer. 

Nến bullish hammer cho thấy phe mua đã chiến thắng phe bán để đẩy giá lên cao và kết phiên cao hơn thời điểm mở cửa. Do đó, nến bullish hammer báo hiệu khả năng đảo chiều tăng giá rõ ràng hơn so với nến bearish hammer. 

2.2. Nến bearish hammer 

Nến bearish hammer hay còn gọi là nến hammer giảm, có thân màu đỏ, giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa và các đặc điểm khác cũng tương tự như nến hammer nói chung. 

Nến bearish hammer cũng đóng vai trò báo hiệu tín hiệu đảo chiều tăng giá, tuy nhiên tín hiệu không chắc chắn như trường hợp xuất hiện nến bullish hammer. 

Nến bearish hammer xuất hiện cho thấy trong phiên giao dịch, phe mua đã cố gắng đẩy giá lên cao, vượt qua phe bán nhưng vẫn không thể thắng được phe bán vào thời điểm kết phiên, khiến giá tụt lại dưới mức mở cửa. 

  1. Phân biệt nến hammer và nến hanging man 

Mô hình nến hammer và nến hanging man có đặc điểm tương đối giống nhau khi cả hai nến đều có phần thân nến nhỏ và bóng nến dài gấp hai lần thân hướng xuống phía dưới. Tuy nhiên, điểm để phân biệt hai loại nến này chính là vị trí của chúng trên mô hình giá. 

Phân biệt nến hammer và nến hanging man

  • Với nến hammer, đây là một mô hình nến đảo chiều xuất hiện ở cuối xu hướng giảm giá, cho thấy bên bán đang dần suy yếu và bên mua đang giành lại lợi thế kiểm soát thị trường và giá có thể sẽ tăng trong thời gian tới. 

  • Trong khi đó, nến hanging man cũng là một mô hình nến báo hiệu đảo chiều nhưng xuất hiện ở đỉnh của một xu hướng tăng giá, cho thấy bên bán đang bắt đầu chiếm ưu thế so với bên mua và giá có thể quay đầu giảm trong thời gian tới. 

  1. Ứng dụng mô hình nến hammer trong giao dịch 

Đối với mô hình nến hammer, thời điểm giao dịch lý tưởng nhất là ở trên các khung 1 giờ (H1), 4 giờ (H4) và 1 ngày (D1). 

Để có thể xác định điểm vào lệnh phù hợp khi gặp nến hammer, các nhà đầu tư có thể tham khảo ba cách sau: 

  • Cách 1: Vào lệnh mua tại mức giá ở giữa khoảng High - Low của cây nến búa. Đây được coi là lệnh vào tối ưu nhất bởi các nhà giao dịch sẽ thu được lợi nhuận cao nhất nếu mô hình diễn biến đúng. 

  • Cách 2: Vào lệnh mua tại thời điểm giá mở cửa của cây nến xác nhận, tức cây nến xuất hiện ngay sau nến hammer. Tuy cách khớp lệnh này sẽ không thu được nhiều lợi nhuận như với cách 1, nhưng lại ít rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư trong trường hợp giá không tăng cao như kỳ vọng ban đầu. 

  • Cách 3: Các nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn việc vào lệnh ngay sau khi đóng nến hammer. Cách vào lệnh này tuy không mang lại nhiều lợi nhuận như ở hai cách nêu trên, nhưng lại chắc chắn hơn, bởi lực mua ở thời điểm đó đã mạnh và xu hướng giá có thể tăng thêm nữa. 

Đối với những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa có vốn lớn thì vào lệnh theo cách 2 là hướng đi tốt nhất. 

Ví dụ về giao dịch với nến hammer theo cách 1 và cách 3: 

Ứng dụng mô hình nến hammer trong giao dịch

  1. Những lưu ý khi sử dụng nến hammer trong giao dịch 

Nến hammer là một mô hình nến đảo chiều với tín hiệu khá mạnh. Tuy nhiên, khi ứng dụng mô hình nến này, các nhà đầu tiên cần ghi nhớ một số lưu ý sau: 

  • Thân nến hammer dù có màu đỏ hay màu xanh đều mang tín hiệu đảo chiều tăng, tuy nhiên thân nến màu xanh, tức nến bullish hammer sẽ mang tín hiệu tăng rõ ràng hơn so với nến bearish hammer (thân nến đỏ). 

  • Mô hình có thân nến càng dài thì tín hiệu càng rõ ràng. Ngoài ra, mô hình cũng cần có phần bóng nến nhỏ ở phía trên. 

  • Ngoài ra, mô hình nến hammer cũng chỉ cho tín hiệu chắc chắn khi có ít nhất ba nến giảm trước khi xuất hiện nến hammer. Do đó, cần tránh thực hiện giao dịch khi thị trường đang trong giai đoạn sideway, không đi theo một xu hướng nhất định. 

  • Bên cạnh đó, volume giao dịch là một yếu tố cần được chú ý khi thực hiện giao dịch với mô hình nến hammer. Volume giao dịch thấp trước khi nến búa hình thành cho thấy phe bán đang có dấu hiệu yếu đi, do đó tín hiệu đảo chiều từ nến hammer sẽ chính xác hơn. 

  • Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nếu chỉ dựa vào tín hiệu từ nến hammer để đưa ra các quyết định đầu tư sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro. Vì vậy, khi thực hiện giao dịch, các nhà đầu tư cần chú ý kết hợp mô hình nến hammer với các chỉ báo kỹ thuật khác để có thể đưa ra các quyết định chắc chắn hơn. 

  1. Kết hợp mô hình nến hammer và các chỉ báo kỹ thuật khác để vào lệnh 

6.1. Kết hợp với vùng hỗ trợ

Mô hình nến hammer xuất hiện ở vùng hỗ trợ sẽ cho khả năng đảo chiều xu hướng sẽ cao hơn, bởi bản chất ngưỡng hỗ trợ cũng là một công cụ báo hiệu giá đảo chiều tăng. 

Sau khi đã xác định được xu hướng thị trường chung đang giảm, các nhà đầu tư có thể đợi cho đến khi nến hammer xuất hiện tại vùng hỗ trợ để vào lệnh mua, với các điểm vào lệnh tương tự như đã được đề cập ở trên.     

Kết hợp nến hammer với vùng hỗ trợ

6.2. Kết hợp với đường RSI 

RSI - Chỉ báo sức mạnh tương đối là chỉ báo sẽ giúp nhà đầu tư xác định liệu thị trường đang ở trong tình trạng quá mua hay quá bán. 

Theo đó, nếu mô hình nến hammer xuất hiện khi đường chỉ báo RSI xuống dưới mức 20, tức là thị trường bước vào tình trạng quá bán, xác suất giá đảo chiều tăng sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy các nhà đầu tư có thể cân nhắc vào lệnh mua khi bắt gặp hai chỉ báo này cùng xuất hiện. 

Kết hợp nến hammer và đường RSI

Kết luận 
Nhìn chung, mô hình nến hammer, đặc biệt là mô hình bullish hammer là một mô hình nến báo hiệu xu hướng giá đảo chiều tăng khá hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý phân biệt mô hình này với các mô hình khác có đặc điểm nến tương tự nhưng ý nghĩa trái ngược, đồng thời kết hợp nến hammer với các chỉ báo kỹ thuật khác để đưa ra quyết định đầu tư chắc chắn, chính xác. 

Chúc quý bạn đọc giao dịch thành công! 

>>>> XEM THÊM: Đầu tư hàng hóa phái sinh| Đặc điểm, cơ hội, rủi ro  

Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ: Tầng 3, 04 Nguyễn Thái Bình, Phường 4, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2 Tòa nhà PCC1, Số 44 Triều Khúc, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.

  • Hotline: 1900.636.909

  • Website: https://hct.vn/

  • Fanpage: https://www.facebook.com/giaodichhanghoavietnam01