Giá quặng sắt đã giảm hơn 25% trong năm nay, trở thành một trong những mặt hàng nguyên liệu thô kém hiệu quả nhất. Dự báo cho thấy xu hướng giảm này sẽ tiếp diễn trong năm 2025 và 2026.

Quặng sắt mất hơn 25% giá trị: Triển vọng ảm đạm cho năm 2025 và 2026

Trong tuần qua, giá quặng sắt tiếp tục chịu áp lực giảm do dự báo tiêu cực từ chính phủ Australia, đồng USD tăng mạnh đạt mức cao nhất trong hai năm, và giới đầu tư chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Hợp đồng tương lai quặng sắt tại Singapore giảm ngày thứ tư liên tiếp, gần chạm mốc 101 USD/tấn, ghi nhận mức giảm hơn 2% trong tuần. Báo cáo từ Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia dự đoán giá quặng sắt trung bình sẽ chỉ còn 80 USD/tấn vào năm 2025 và tiếp tục giảm xuống 76 USD/tấn vào năm 2026, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sản lượng khai thác toàn cầu gia tăng. Hiện tại, Australia vẫn là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.

Đồng USD mạnh lên sau thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc giảm tần suất cắt giảm lãi suất trong năm 2025, khiến nguyên liệu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước nhập khẩu, bao gồm Trung Quốc.

Quặng sắt tiếp tục đối mặt với khó khăn khi nhu cầu thép suy yếu, phần lớn bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc – lĩnh vực chiếm khoảng 30% nhu cầu thép quốc gia này. Báo cáo từ Australia cùng với các dự báo của các tổ chức lớn như Goldman Sachs Group Inc. cũng nhận định tình hình khó khăn sẽ kéo dài. Goldman Sachs dự báo giá quặng sắt trung bình năm 2025 sẽ đạt 95 USD/tấn và giảm còn 90 USD/tấn vào năm 2026, với mức giá cuối năm 2026 có thể chỉ còn 84 USD/tấn.

Theo chuyên gia Aurelia Waltham từ Goldman Sachs, triển vọng tiêu cực của thị trường quặng sắt chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính: dự trữ quặng sắt tại các cảng Trung Quốc tăng, đồng nhân dân tệ mất giá và nhu cầu thép trong nước suy giảm.

Báo cáo từ Viện Quy hoạch và Nghiên cứu Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI) cho thấy nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo giảm 1,5% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2024. Lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc trong hai năm này lần lượt đạt 863 triệu tấn và 850 triệu tấn. Trong 11 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc sản xuất tổng cộng 929,19 triệu tấn thép thô, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, các biện pháp thuế quan từ Mỹ cũng được dự báo sẽ làm giảm nhu cầu thép của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, đồng thời gia tăng áp lực lên giá đồng nhân dân tệ. Goldman Sachs ước tính nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ giảm 2,5% vào năm 2025 và 1,1% vào năm 2026.

>>>> XEM THÊM: 

Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội