Kết phiên ngày 11/12, giá dầu thô đã tăng mạnh hơn 1 USD/thùng sau khi EU thông qua lệnh trừng phạt bổ sung đối với dầu của Nga. Trong khi đó, giá vàng tăng khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng đúng theo kỳ vọng và giá đồng, quặng sắt giảm.
Dầu thô tăng mạnh hơn 1 USD
Giá dầu đã tăng mạnh hơn 1 USD sau khi Liên minh châu Âu quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga, có thể đe dọa đến nguồn cung dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/12, hợp đồng tương lai dầu thô Brent đã tăng 1,33 USD, tương đương 1,84% lên mức 73,52 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô WTI được giao dịch ở mức 70,29 USD/thùng, tăng 1,84% tương đương 1,70 USD.
Vào ngày 11/12, các đại sứ của Liên minh châu Âu EU đã đồng ý về gói trừng phạt thứ 15 lên Nga do những xung đột liên quan đến Ukraine.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt được thông báo, dầu thô WTI đã tăng hơn 1 USD/thùng.
Một yếu tố đang hạn chế đà tăng của giá dầu là việc dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Ở một diễn biến khác, trong ngày hôm qua 11/12, OPEC đã công bố tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp tổ chức này cắt giảm dự báo về nhu cầu. Trước đó, vào đầu tháng 12, OPEC+ cũng đã trì hoãn việc bắt đầu tăng sản lượng của các nước thành viên.
Nguyên nhân chính khiến OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu là do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu toàn cầu và sự tăng trưởng trong nguồn cung của các nhà sản xuất ngoài nhóm OPEC+.
Tuy nhiên, những kế hoạch mới nhất từ Bắc Kinh trong việc vực lại nền kinh tế Trung Quốc đã mang lại nhiều kỳ vọng cho các nhà đầu tư về việc nhu cầu sẽ gia tăng.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 11 cũng tăng lần đầu tiên trong 7 tháng, tăng hơn 14% so với một năm trước.
Giá vàng tiếp tục tăng
Giá vàng tiếp tục tăng khi khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất vào tuần tới tiếp tục tăng lên do lạm phát tháng 11 ổn định. Cùng với đó, thị trường cũng đang chờ đợi thêm các dữ liệu về chỉ số giá sản xuất để có thêm những căn cứ về chính sách tiền tệ.
Kết phiên ngày 11/12, giá vàng giao ngay đang ở mức 2,717.29 USD/ounce. Trong khi đó, hợp đồng vàng tương lai kỳ hạn tháng 2/2025 đóng cửa tăng 1,4% lên mức 2,756.7 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 2,6% của tháng 10.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế cũng dự báo mức tăng CPI hàng tháng là 0,3% và tăng hàng năm là 2,7%.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm do đồng USD mạnh lên, làm giảm đà tăng trước đó khi thị trường kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,3%, xuống còn 9.192 USD/tấn. Trước đó, giá đã đạt mức 9.314 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 12/11.
Đồng USD tăng giá trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối phiên. Ngoài ra, thông tin từ Reuters rằng Trung Quốc có thể cho phép đồng nội tệ yếu hơn trong năm tới cũng góp phần đẩy USD lên cao.
Việc USD mạnh làm cho các kim loại định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu.
Về mặt kỹ thuật, mức kháng cự hiện nằm quanh 9.314 USD, tại đường trung bình động 100 ngày, trong khi mức hỗ trợ được ghi nhận ở đường trung bình động 21 ngày tại 9.065 USD.
Giá quặng sắt giảm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm sau khi đạt mức cao nhất trong hai tháng ở phiên trước, do lo ngại về nhu cầu thép yếu theo mùa lấn át kỳ vọng vào các biện pháp kích thích từ Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm 1,64%, đóng cửa ở mức 809,5 CNY (tương đương 111,38 USD)/tấn. Tương tự, hợp đồng giao tháng 1/2025 tại Singapore giảm 1,12%, xuống còn 104,2 USD/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 1,91% so với tháng trước. Việc nhập khẩu bị chậm lại do thời tiết lạnh làm gián đoạn các hoạt động xây dựng tại khu vực miền Bắc, kéo theo nhu cầu thép giảm.
Ngoài ra, lợi nhuận của các nhà máy thép cũng giảm, dù sản lượng kim loại nóng vẫn duy trì ở mức ổn định. Tại Thượng Hải, giá thép thanh giảm 0,15%, thép cuộn cán nóng giảm 0,17%, thép không gỉ giảm gần 0,2%. Tuy nhiên, dây thép cuộn lại tăng 0,7%.
Cao su Nhật Bản tăng do nguồn cung khan hiếm theo mùa
Giá cao su Nhật Bản tăng sau hai phiên giảm liên tiếp, nhờ lo ngại về nguồn cung giảm theo mùa và kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch Osaka tăng 10,6 JPY, tương đương 2,88%, chốt ở mức 378,3 JPY (tương đương 2,49 USD)/kg.
Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su cùng kỳ hạn tăng 130 CNY, tương đương 0,7%, lên 18.830 CNY (tương đương 2.597,81 USD)/tấn.
Các khu vực sản xuất cao su tại Vân Nam và Hải Nam sắp kết thúc mùa thu hoạch vào cuối tháng 12, khiến nguồn cung giao ngay bị hạn chế. Theo Natural Rubber Network, sản lượng khai thác cao su toàn cầu cũng đang chậm lại. Sự khan hiếm trong nguồn cung và cầu năm nay được dự báo khó có khả năng thay đổi.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê arabica trên Sàn ICE giảm 4,2%, xuống còn 3,2020 USD/lb, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3,4835 USD/lb ở phiên trước.
Các đại lý cho rằng thị trường đã phản ứng thái quá với thông tin từ Volcafe về việc hạ dự báo sản lượng cà phê arabica của Brazil trong niên vụ 2024/25 xuống còn 34,4 triệu bao.
Giá cà phê đã tăng 80% trong năm nay do lo ngại về triển vọng tại Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng robusta của Việt Nam sẽ phục hồi lên 29 triệu bao trong niên vụ 2024/25, từ mức 26,5 triệu bao của niên vụ trước.
Giá cà phê robusta cũng giảm 131 USD, tương đương 2,5%, xuống còn 5.101 USD/tấn. Trước đó, giá đã đạt mức cao nhất trong 47 năm là 5.694 USD/tấn vào cuối tháng 11.
JDE Peet, một trong những công ty cà phê lớn nhất thế giới, dự kiến tăng giá sản phẩm tại Brazil trung bình 30% vào năm tới, dựa trên tài liệu gửi đến khách hàng. Các đại lý cũng nhận định giá bán lẻ cà phê có thể tăng tại nhiều thị trường khác ngoài Brazil, nhưng cảnh báo rằng mức tiêu thụ có thể bị ảnh hưởng ở các quốc gia đang phát triển, dù phần lớn không nhạy cảm với giá.
Đường tăng
Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 1,1%, lên mức 21,28 cent/lb.
Trong khi đó, đường trắng kỳ hạn cùng tháng tăng 0,4%, đạt 540,8 USD/tấn.
Ngô, lúa mì, đậu tương tăng
Giá ngô trên Sàn Chicago tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 25/6 sau khi báo cáo cung cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy dự trữ cuối vụ thấp hơn dự báo.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 3/2025 giảm nhẹ ¾ cent, xuống 4,48-1/4 USD/giạ.
Lúa mì tăng giá do dự trữ cuối vụ giảm, với hợp đồng lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 1-1/2 cent, lên 5,63-1/4 USD/giạ.
Hợp đồng đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1 cũng tăng ¾ cent, đạt mức 9,95-1/2 USD/giạ.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 12/12:
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội